Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Đừng né việc xử lý mà gây hại cho dân

Liên tiếp từ ngày 25 đến 29-7, báoPháp Luật TP.HCMđăng loạt bàiPhế phẩm độc hại ngành thép đi về đâuphản ánh tình trạng phế phẩm gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu cho sức khỏe con người. Nhiều bạn đọc phản hồi ủng hộ sự điều tra, phanh phui sự việc của báo và đề nghị cơ quan chức năng phải tích cực khắc phục hậu quả...

“Rất hoan nghênh báoPháp Luật TP.HCMđã có loạt bài nóng bỏng về chất thải của ngành thép” - bạn đọc Trần Văn Cảnh (trancanh2008@...) Ủng hộ.

Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Lê Văn Tâm (tamle_2010@...) Nêu ra những nguy hại từ các phụ phẩm: “Bụi thép là chất thải nguy hại vì chứa nhiều kim loại nặng, rất dễ ngấm vào nước ngầm, nước mặt. Đặc biệt nó mịn nên dễ bay vào không khí và người hít phải sẽ bị ung thư… Việc phát triển ngành thép ồ ạt mà không tính đến các phương án xử lý chất thải nên hậu quả sẽ còn rất nặng nề”.

Trước sự việc này, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt (công ty mẹ của Công ty CP Thép Pomina), nhìn nhận: Việc để chất thải ngoài trời trong khuôn viên nhà máy là khó đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các nhà máy báo cáo là có tồn đọng nhưng chưa đến mức căng thẳng. Đề nghị ta học theo các nước, họ xử lý thế nào thì mình xử lý thế đó (sử dụng chất thải của ngành thép để làm đường hoặc sản xuất xi măng - PV)”.

Nhiều bạn đọc không đồng tình với cách trả lời trên của lãnh đạo Công ty Thép Việt.

“Ông tổng giám đốc trả lời theo kiểu né tránh. Luật Bảo vệ môi trường quy định nhập khẩu phế liệu đều yêu cầu doanh nghiệp thép tự xử lý chất thải đạt yêu cầu về môi trường, chỉ khi không tự xử lý được thì phải chuyển giao cho đơn vị xử lý. Không có quy định nào bắt doanh nghiệp chỉ phải chuyển giao cho đơn vị xử lý. Muốn làm đường, phụ gia xi măng phải qua quá trình xử lý rất tốn kém, không thể có chuyện đưa các chất thải của ngành thép trực tiếp sử dụng được...” - Bạn đọc Nguyen Hung (nguyenhung_hn@...) Cho biết.

Bạn đọc Trần Văn Mỹ (mytranvanpm@...) Góp ý: “Tôi làm trong lĩnh vực môi trường nên thấy tham mưu đưa bụi thép từ Bà Rịa-Vũng Tàu tới Hải Dương để xử lý là không hợp lý. Việc càng đưa chất thải đi xa thì càng phát tán ô nhiễm trên diện rộng. Chủ nguồn thải và cơ quan của tỉnh không thể kiểm soát cho đến khi xử lý triệt để. Thứ nữa, về mặt quản lý, việc này cho thấy chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào công ty ở Hải Dương, các nhà máy thép trở thành con tin vì không chủ động xử lý, ô nhiễm môi trường không giải quyết được…”.

Bạn đọc Trần Văn Cảnh (trancanh2008@...) Quy thêm trách nhiệm: “Trong bốn bài vừa qua, có một nguyên nhân mà báo cần tiếp tục thông tin, làm rõ thêm cho bạn đọc trách nhiệm của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ở đâu trong việc cấp giấy đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu? Các nhà máy thép không thể gây ô nhiễm môi trường, không thể thải bỏ chất thải không xử lý ra môi trường... Nếu không có sự buông lỏng của cơ quan quản lý môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”.

Nhiều bạn đọc kiến nghị các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng vào cuộc giải tỏa mối nguy hại từ các phế phẩm độc hại của ngành thép. “Trong phạm vi pháp luật quy định, các công ty thép phải khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm. Chúng tôi không thể chấp nhận tình trạng doanh nghiệp đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước” - bạn đọc Vũ Văn Nguyện (Đồng Nai) đề nghị.

Bạn đọc thanh (tranthanhthanh@...) Nối tiếp: “Các cơ quan quản lý không thể thờ ơ trước việc này. Số phận người dân là quan trọng. Với chức trách của mình, các cơ quan chức năng phải có ngay những mệnh lệnh hành chính cần thiết để giải quyết rốt ráo vụ việc, không thể chần chừ nữa”.

TS