Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Bảo vệ chủ quyền Biển Đông bằng pháp lý: Những việc cần phải làm ngay

Việc xây dựng bộ hồ sơ pháp lý về  chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở  Biển Đông theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, chuyên gia Việt Nam hàng đầu về Luật Biển cho rằng cần phải làm ngay một cách đầy đủ, hệ thống, toàn diện, đúng luật, nhất quán, rõ ràng và minh bạch sẽ góp phần vô cùng quan trọng trong công tác đấu tranh gìn giữ, bảo vệ  chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thông qua con đường hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục có buổi trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Trục về thực trạng hoạt động bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam bằng pháp lý hiện nay, đặc biệt là những vấn đề thách thức đặt ra cho chúng ta trong thực tế.
Chiến sĩ Nhà giàn đón tàu vào tiếp tế.

- PV: Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, như ông đã phân tích với báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng hiện tại là thời cơ ngàn năm có một để chúng ta khẩn trương xây dựng bộ hồ sơ pháp lý chứng minh chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xin ông vui lòng phân tích thêm về hiện trạng công tác bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên mặt trận pháp lý?
- Tiến sĩ Trần Công Trục:Chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam là giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.
Sử dụng công cụ pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình hay bác bỏ các yêu sách chủ quyền vô lý của đối phương, các hoạt động vi phạm UNCLOS của một quốc gia thành viên nào đó đã phê chuẩn UNCLOS đã được ghi rõ trong bộ luật biển quan trọng nhất này, Phần 15 Giải quyết các tranh chấp và Phụ lục 5, Phụ lục 6, Phụ lục 7, Phụ lục 8 của UNCLOS. Đó là một biện pháp hòa bình, văn minh để giải quyết tranh chấp.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông với các bên liên quan thông qua các biện pháp hòa bình. Điều này thể hiện rất rõ trong các tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao cũng như tuyên bố chung trong các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước khi đề cập tới vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế rằng còn có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề sử dụng các nguyên tắc pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng trong Biển Đông: Một mặt, do đây là một vấn đề rất phức tạp, liên quan đến nhiều bên, nhiều ngành và đặc biệt là nội dung và tính chất của các loại tranh chấp hiện hữu trong Biển Đông cũng rất khác nhau.
Mặt khác, nhận thức của chúng ta về nội dung, vai trò của các nguyên tắc pháp lý và thực tiễn quốc tế, trong đó có UNCLOS, ứng dụng vào tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông còn nhiều hạn chế.
Điều này đã dẫn đến công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền Biển Đông bằng phương tiện pháp lý còn chung chung, chưa có định hướng cụ thể, rõ ràng, thậm chí còn có những sơ suất dễ làm cho dư luận hiểu nhầm, khiến cho đối phương có cơ hội khai thác lợi dụng để phục vụ cho những mục tiêu của họ.
Thậm chí điều đó còn là nguyên nhân tạo nên tình trạng nghi ngờ, thiếu tin tưởng, chia rẽ nội bộ…rất bất lợi cho cuộc đấu tranh phức tạp này. Cụ thể là, đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn thiếu một bộ hồ sơ pháp lý đầy đủ, hoàn thiện, đúng luật và công khai về yêu sách chủ quyền của ta ở Biển Đông.
Trong thực tế, mặc dù chúng ta đã có nhiều công sức để sưu tầm, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp mọi thông tin, tư liệu, chứng lý, quan điểm của các bên tranh chấp để phục vụ cho công việc chỉ đạo và tiển khai các hoạt động đấu tranh, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông trong thời gian qua; nhưng đối chiếu với những đòi hỏi của thực tiễn, đặc biệt là trên phương diện pháp lý, thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phục vụ cho nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, theo yêu cầu của một bộ hồ sơ pháp lý theo đúng nghĩa của nó.
Có thể có ý kiến cho rằng đây là nhận xét chủ quan, phiến diện. Tôi mong rằng đây là ý kiến nhận xét về nhận định “ chủ quan” của tôi là đúng! Tuy nhiên, dù sao đi nữa, tôi cũng xin nêu lên một thực trạng mà có lẽ chung ta không nên bỏ qua, xem thường… Chẳng hạn, ngay trong đội ngũ nghiên cứu, quản lý của chúng ta cho đến nay vẫn còn những nhầm lẫn và có những ý kiến khác nhau về những khái niệm địa lý, lịch sử, pháp lý…có liên quan đến các quyền, lợi ích quốc gia đối với biển, đảo trong Biển Đông.
Ví dụ như việc xếp một thực thể là bãi cạn, bãi ngầm… nằm trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế hay thuộc phạm vi các quần đảo ở giữa Biển Đông như thế nào là phù hợp với các tiêu chuẩn của các quy định trong UNCLOS và như thể nào là phản ánh được thực tế của lịch sử quản lý, khai thác chúng…vẫn còn là một vấn đề.
Điều này rõ ràng có ảnh hưởng trực tiếp hoăc gián tiếp tới việc đưa ra các quyết sách, tới việc bày tỏ quan điểm rõ ràng, minh bạch trước nhưng động thái đang diễn ra có liên quan đến chúng ta, tới việc tổ chức, triển khai các hoạt động theo các phương án thích hợp nhất và có hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay.
Một ví dụ khác, có nhiều ý kiến trái ngược nhau về nguyên tắc, căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Những loại tranh chấp như thế nào thì được xem xét và giải quyết theo chế định của UNCLOS? Thế nào là hồ sơ pháp lý, thế nào là chứng lý lịch sử, giá trị của các bản đồ lịch sử… trong việc chứng minh và đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia?
Bản đồ cho thấy 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Chúng ta vẫn còn chông chênh trong một số khái niệm cơ bản, thậm chí đến cả những khái niêm sơ đẳng nhất như thế nào là lãnh hải, thế nào là thềm lục địa, UNCLOS giải quyết những vấn đề gì, thế nào là quần đảo, hiệu lực pháp lý của quần đảo... Và khi nhầm lẫn từ khái niệm sẽ có thể dẫn tới những nhận thức và đề xuất giải pháp thiếu chuẩn xác và kịp thời.
Trong khi đó, TQ lại đang cố tình đánh tráo các khái niệm trong UNCLOS để cố tình gộp các bãi cạn nằm trên thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông vào các quần đảo mà họ gọi là Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa, Đông Sa, đánh tráo khái niệm “quần đảo” thành “quốc gia quần đảo” làm tiền đề mở rộng các vùng biển và thềm lục địa tính từ đường cơ sở của các quần đảo này mà họ đã và sẽ thiết lập ngược với các quy định của UNCLOS hòng mưu đồ hiện thực hóa tham vọng đường lưỡi bò.
Chúng ta hoàn toàn có quyền và có điều kiện để phân biệt rõ ràng, đâu là đảo, đâu là quần đảo, đâu là bãi cạn, đâu là thềm lục địa và các cơ sở pháp lý để khẳng định điều đó. Làm được điều này, chúng ta sẽ có đủ tự tin để tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của chúng ta trong Biển Đông.
- PV: Theo ông đâu là những thách thức mà chúng ta cần lưu ý trong việc khẩn trương xây dựng và sớm công bố bộ hồ sơ pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?
Xây dựng khẩn trương và sớm công bố bộ hồ sơ pháp lý chủ quyền Biển Đông là rất cần thiết, nhưng đồng thời cũng phải nhấn mạnh rằng để có một bộ hồ sơ pháp lý không phải chuyện dễ dàng có thể làm xong một sớm một chiều, mà là cả một quá trình nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan theo sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, và xin nhấn mạnh rằng việc này cần phải làm ngay, càng sớm càng tốt.
Trong đó yếu tố quan trọng nhất là xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân sự, chuyên gia về Luật Biển cũng như các vấn đề pháp lý liên quan đến tiến trình tố tụng. Đội ngũ nhân sự này không chỉ phải nắm rất chắc các nội dung, nội hàm quy định của hồ sơ pháp lý về Biển Đông của Việt Nam mà còn cần phải có đủ trình độ tiếng Anh để bảo vệ quan điểm của ta cũng như bác bỏ các quan điểm sai trái khi đưa vấn đề ra các tổ chức tài phán quốc tế, các diễn đàn quốc tế và khu vực có bàn đến Biển Đông.
Công việc thu thập, xử lý, nghiên cứu, thẩm định các chứng lý, hồ sơ pháp lý về Biển Đông phải được tiến hành một cách hết sức cẩn thận.
Mặc dù có hơi muộn, nhưng việc xây dựng một hồ sơ pháp lý và chuẩn bị cho một giải pháp giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán quốc tế chúng ta vẫn phải làm. Vì thời điểm này là cơ hội ngàn năm có một của chúng ta khi dư luận khu vực và quốc tế đang hết sức theo dõi và ủng hộ, trong lúc đối phương dùng mọi thủ đoạn và thủ thuật để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Nếu để lỡ mất cơ hội này, sau này chúng ta có công bố hồ sơ pháp lý hoặc tiến trình tố tụng sẽ không thể có được hiệu quả, hiệu ứng như khi ta tiến hành nó trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, một việc cần phải làm ngay để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất về mặt pháp lý trong các yêu sách chủ quyền của ta ở Biển Đông là cần nhanh chóng rà soát lại hệ thống thông tin tài liệu tuyên truyền, yêu sách về biển đảo, thống nhất và điểu chỉnh những sai sót trong các khái niệm, nội hàm, nội dung, định nghĩa liên quan đến chủ quyền biển đảo trong các hệ thống tai liệu công khai và chính thức.
Nếu để những sai sót này tồn tại, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với các nguy cơ pháp lý khi tiến hành các thủ tục tố tụng. Mặt khác, khi thống nhất và sửa chữa các sai sót về mặt thông tin sẽ có ý nghĩa rất tích cực, quan trọng về mặt đối nội, tạo được sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội, củng cố niềm tin một cách có cơ sở trong các tầng lớp nhân dân về vấn đề chủ quyền trong bối cảnh kỷ nguyên thông tin, mọi thứ thượng vàng hạ cám có thể xuất hiện trên internet.
- PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!