Phải chăng pháp luật vẫn đang đứng ngoài các hoạt động chơi hụi, họ? Xung quanh vấn đề này, PV báoNguoiduatin.Vnđã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Tỵ, chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.Hà Nội. Thưa ông, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ vỡ hụi, họ với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào? Những vụ vỡ hụi, họ xảy ra đa phần xuất phát từ lòng tham của con người. Ai cũng biết, ngay từ thuở sơ khai, hụi, họ là hình thức gom vốn tốt. Thế nhưng về sau, hụi, họ bị biến tướng, trở thành những hoạt động phi pháp, ngoài quy định của pháp luật và vi phạm pháp luật. Những vụ vỡ hụi, họ đều là những vụ lợi dụng sự quen biết, sau một thời gian tạo dựng lòng tin, kẻ có ý định chiếm đoạt liền giăng một mẻ lưới lớn, ôm số tiền khổng lồ rồi biến mất. Người mất tiền chỉ biết than thân trách phận hoặc đi trình báo cơ quan chức năng với hi vọng có thể vớt vát được ít tiền nào đó. Thế nhưng họ đâu hiểu, để được pháp luật bảo vệ, người chơi hụi, họ phải có bằng chứng cụ thể nếu không, không thể thưa kiện hay tố cáo được. Ngược lại, chơi hụi, họ xuất phát từ lòng tham, muốn lấy lãi cao thì không có chuyện pháp luật bảo vệ. Nhiều người, vì quá tham lãi suất cao mà kéo cả họ hàng anh em vào "bát" họ, do vậy, khi vỡ họ, chủ “bát” trốn thì tất cả "ăn đòn" theo. Bởi việc cho vay tiền với lãi suất vượt quá quy định của pháp luật là phạm pháp, có thể bị xử lý trước pháp luật. Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.Hà Nội. Có thể nói việc chơi hụi, họ theo kiểu ngầm với mục đích kiếm nhiều lãi theo kiểu "được ăn thua chịu" thì không có cơ chế luật pháp nào bảo vệ. Luật pháp chỉ bảo vệ những người chơi đóng góp cổ phần có hợp đồng bằng văn bản, nói cách khác là chơi "danh chính ngôn thuận". Hụi, họ bị biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy đau lòng, nhiều người tán gia bại sản, nhiều vụ án mạng xảy ra. Có ý kiến cho rằng sở dĩ có tình trạng này là do luật pháp đang đứng ngoài hụi, họ. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này? Điều 497 Bộ luật Dân sự 2005 đã có quy định nhưng trên cơ sở phải có đăng ký, phải được phép, phải có cơ sở, người tham gia phải có hợp đồng, khi đưa tiền phải có ký kết bằng văn bản. Trong luật Dân sự có quy định vấn đề có thể tự nguyện tổ chức các việc đóng góp hụi, họ để hỗ trợ cho nhau. Người có tiền chưa tiêu đến thì đóng góp, hỗ trợ cho người cần tiền. Việc này mang tính tương thân tương ái, bản chất cũng hoàn toàn khác những người tham gia mở hụi, họ vì mục đích khác. Nếu bây giờ một người cứ bảo là chủ "bát", phường, họ rồi trả lãi 15 - 20% rồi người có tiền tham lãi cao đưa ra, đến khi vỡ hụi lại mất trắng. Chuyện đó Nhà nước không cho phép. Vậy, không thể nói rằng pháp luật đang đứng ngoài hụi, họ mà chính người dân đã vì cái lợi mà không tuân thủ pháp luật. Điều này cũng giống như chơi xổ số Nhà nước làm khuyến khích nhưng ghi số đề thì Nhà nước cấm, cùng một việc nhưng bản chất hoàn toàn khác nhau. Theo ông người chơi hụi, họ cần có biện pháp gì để tự bảo vệ mình? Người chơi phải tìm hiểu xem mình đưa tiền, góp tiền cho ai, người đó có đủ tư cách để nhận không, có cơ sở pháp lý để đứng ra nhận tiền góp của mình hay không. Khi góp tiền vào phải có biên bản, hợp đồng, biên nhận, còn cứ đi nói miệng huy động với nhau thì điều đó thuộc về phi pháp. Nhiều người cho rằng, trong Nghị định 144 về hụi, họ không có quy định rõ ràng về chế tài trong trường hợp người vi phạm không trả hoặc trả không đủ số tiền cho người vi phạm. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này? Với mỗi vụ vỡ hụi, khi có văn bản, giấy tờ thì ra pháp luật, quyền lợi của mọi người sẽ được bảo vệ. Nếu chỉ góp tiền bằng miệng thì rất khó để đòi hỏi pháp luật bảo vệ. Còn khi đã ra tòa thì không thể nói là không trả. Pháp luật đã có quy định nếu sau thời hạn quy định, nếu không trả gốc thì sẽ phải tính lãi. Nếu không thi hành án có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thi hành án. Xin cảm ơn ông! Yến Thanh |